Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn – Bình Định cho các bạn sắp đi

Vùng đất Quy Nhơn - Bình Định không chỉ có nhiều bãi biển và danh lam thắng cảnh đẹp mà còn được mệnh danh là vùng đất võ với môn võ cổ truyền Bình Định lưu danh sử sách. Đây hứa hẹn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung. 

Dưới đây là một số kinh nghiệm đi du lịch Quy Nhơn – Bình Định bạn có thể tham khảo. 

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN


1. Từ Hà Nội và Tp.HCM – Bình Định

Võ Bình Định nổi tiếng khắp nơi

Quy Nhơn - Bình Định thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 1.065km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 649km về phía Nam. Từ 2 thành phố lớn của cả nước đến đây bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện sau:

Máy bay

Hiện từ Hà Nội và Tp.HCM các hãng Vietnam Airlines, Vietjet air… đều có khai thác chặng bay đến sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn khoảng 30km. Mỗi ngày 2 chuyến bay từ Tp.HCM và 1 chuyến từ Hà Nội. Lịch trình bay và giá vé tham khảo dưới đây: 


Lịch trình và giá vé tham khảo Hà Nội - Quy Nhơn



Hồ Chí Minh - Quy Nhơn

Từ sân bay Phù Cát, để tới Quy Nhơn bạn đi xe trung chuyển của Cảng hàng không Phù Cát (xe trả khách ở số 1 Nguyễn Tất Thành), thời gian đi khoảng 50 phút, phí 50 nghìn đồng/lượt hoặc bạn đi taxi, giá khoảng 400 nghìn đồng. Để tiết kiệm chi phí bạn có thể ngồi ghép với nhiều hành khách và chia đều tiền ra.

Tàu hỏa


Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn – Bình Định mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu Bắc – Nam chạy qua địa phận tỉnh Bình Định và dừng ở ga Diêu Trì. Vì thế bạn có thể lựa chọn tàu hỏa trong cuộc hành trình đến với đất võ Bình Định. Để nắm rõ lịch trình, bạn có thể liên hệ phòng vé nơi mình đang ở để biết chính xác giờ tàu đi, tàu đến.

Ở Tp.HCM bạn mất khoảng 10 tiếng đế đến Diêu Trì, từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn mất chừng 30 phút, phí taxi khoảng 200 nghìn đồng + giá vé dao động từ 500 – 800 nghìn đồng tùy theo loại vé bạn mua. Từ Diêu Trì, để tiết kiệm, bạn cũng có thể thương lượng đi ghép với những hành khách khác cũng về thành phố


Xe khách


Một số hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Bình Đình và thành phố Hồ Chí Minh – Quy Nhơn, Bình Định bạn có thể tham khảo như sau:


Tượng đài Quang Trung ở Quy Nhơn


- Hãng xe Phương Trang
:


+ Tại thành phố Hồ Chí Minh đến trực tiếp tại địa chỉ: 272 Đề Thám, Quận 1. Điện thoại liên hệ: (08) 38375570.

+ Tại Quy Nhơn: 15 Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Điện thoại liên hệ: (056) 3946 538.

- Hãng xe Mai Linh:
 

+ Tại Hà Nội: 55 Kim Đồng, P.Giáp Bắc, Q.Hoàng Ma. Điện thoại: (04) 36 33 66 99.

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh liên hệ tổng đài đặt vé: (08) 39 29 29 29. Hotline: 0985 29 29 29.

+ Tại Quy Nhơn: Mua vé trực tiếp tại bến xe Quy Nhơn. Điện thoại: (056) 3946 099.

- Hãng xe Hoàng Long
:

+ Tại Hà Nội: 505 Minh Khai. Điện thoại (04) 3987.5410; 28 Trần Nhật Duật. Điện thoại (04) 39.28.28.28; Bến xe Lương Yên, số 1 Nguyễn Khoái. Điện thoại (04) 3987.7225. và 873 Giáp Bát. Điện thoại (04) 3664.6617.

+ Tại Quy Nhơn: số 60 Tây Sơn - Quy Nhơn. Điện thoại: (056) 946111.

+ Tại Sài Gòn: Mua vé tại bến xe miền Đông. Điện thoại: (08) 35113113. Hoặc liên hệ văn phòng tại số 47 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Điện thoại: (08)39151818.

2. Phương tiện di chuyển tại Bình Định


Để đi lại các điểm du lịch trong thành phố Quy Nhơn bạn có thể di chuyển bằng xe bus hoặc thuê xe máy.


Bình Định sở hữu nhiều bãi biển đẹp

Cũng như các thành phố khách, đến Quy Nhơn bạn có thể thuê xe máy đi tham quan với giá 120 nghìn đồng/ngày Bạn có thể thuê xe máy trong các khách sạn để tham quan Quy Nhơn, giá khoảng 120.000 đồng một ngày. Để thuê xe bạn phải đặt CMND và tiền cọc khoảng 500 nghìn đồng.

II. LƯU TRÚ TẠI QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH


Khách sạn nhà nghỉ ở Quy Nhơn - Bình Định khá đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào địa điểm tham quan và túi tiền để bạn có thể tìm được nơi lưu trú phù hợp nhất. Dưới đây là danh sách một số khách sạn nhà nghỉ bạn có thể tham khảo.


Bình Đình có nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng


  • Khách sạn Khang 2: 37 - 39 Ngô Gia Tự. Điện thoại : 056.3747727. Giá thuê dao động từ 180 – 220 ngàn đồng/ngày.


  • Khách sạn Phương Đông: 03/21 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn. Điện thoại: 0563.747767.


  • Khách sạn Hoàng Sơn: 3 Ngô Mây, gần cạnh Đại Học Quy Nhơn. Giá thuê phòng đôi dao động từ 200 – 300 ngàn đồng/đêm.


  • Khách sạn Thắng Lợi: Nằm trên đường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn. Giá thuê phòng khoảng 150.000 đồng/phòng/đêm.
  • ....

II. NHỮNG ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG Ở QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH


1. Thành phố biển Quy Nhơn

Thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp

Thành phố biển Quy Nhơn nằm lọt thỏm giữa những bãi biển chạy dài tạo thành hình bán nguyệt. Sự hòa quyện giữa biển và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đã tạo cho Quy Nhơn một nét đẹp rất riêng. Đến đây bạn không chỉ được thỏa sức tắm biển ở những bãi tắm nằm ngay trung tâm thành phố Mà còn được thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon nhất nhì vùng biển miền Trung. 

2. Đầm Thị Nại

Đầm Thị Nại là hồ nước mặn thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đầm rộng 5.000 ha, một phần của đầm được xây dựng thành cảng biển. Nơi đây nổi tiếng với nhiều loài hải sản tươi ngon. Trên đầm ở một ngọn núi nhỏ, trên núi có một ngôi miếu thờ thủy thần. Miếu có hình dáng giống một ngôi tháp cổ nên được gọi là tháp Thầy bói.


Đầm Thị Nại

Trên đường di chuyển đến một số bãi tắm bạn sẽ đi qua cầu Thị Nại thuộc tuyến cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội bắt ngang qua đầm Thị Nại – bán đảo Phương Mai. Tính đến thời điểm này, cầu được xem là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với 54 nhịp nối liền Tp.Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, có chiều dài 2.477,3m


Cầu Thị Nại


3. Mũi Vi Rồng

Mũi Vi Rồng cách thị trấn Phù Mỹ khoảng 20km về phía xã Mỹ Thọ, là một ghềnh đá màu đỏ nổi lên giữa biển cao 20m, giữa ghềnh đá có một khoảng trống. Ngày đêm sóng bờ xô bờ chảy vào rồi trào ra, nhìn từ xa giống như rồng phun nước trắng xóa tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp mắt. 


Mũi Vi Rồng

Khi triều xuống khu vực mũi Vi Rồng hiện ra nhiều bãi đá như: bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú. Mũi Vi Rồng giống như một con rồng đang vươn mình ra biển lớn. Đây là địa điểm du lịch hấp dẫn ở Bình Định bạn không nên bỏ qua. 

4. Hầm Hô

Hầm Hô là một danh thắng nổi tiếng ở Bình Định, thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc.


Khung cảnh tuyệt đẹp ở Hầm Hô

Hầm Hô là hợp lưu của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ ra sông Phú Thắng, dài khoảng 3km. Hai bên bờ là những núi đá chập chùng, vách đá dựng đứng, từng tảng đá nằm chồng lên nhau, có đoạn đá nhọn lởm chởm giống như hình thanh gương dựng đứng. Mọc xen lẫn giữa những vách đá là những bụi hoa sim tím, những khóm phong lan nằm cheo leo trên những mỏn đá cùng nhiều cây cổ thụ đứng suy tư, trầm mặc. Đặc biệt khu vực sông Hầm Hô có rất nhiều cá. Toàn cảnh khu vực Hầm Hô gồm có sông Trời Lấp, hòn Chuông, hòn Bóng, Đá Thành, Bàn Cờ Tiên, Dấu chân khổng lồ cùng hệ sinh thái rừng đa dạng.

Đây sẽ địa điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai thích khám phá và chinh phục thiên nhiên hoang dã.

5. Ghềnh Ráng

Ghềnh Ráng nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía Đông Nam, cùng với khu mộ Hàn Mặc Tử và bãi tắm Tiên Sa, ghềnh Ráng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Định.


Ghềnh Ráng

Ghềnh Ráng rộng 35ha là một quần thể gồm sơn thạch nằm trong dãy núi Xuân Vân. Dưới chân Ghềnh Ráng là bãi biển với cát trắng mịn, chạy dài, nước biển trong xanh, khung cảnh thiên nhiên hữu tình, không khí trong lành mát mẻ. Đứng trên Ghềnh Ráng bạn có thể ngắm một vùng rộng lớn cảnh đẹp thành phổ biển Quy Nhơn. 

6. Bãi tắm Hoàng Hậu

Bãi tắm Hoàng Hậu nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 2km về phía Đông Nam. Hoàng Hậu là bãi tắm đẹp nhất tỉnh Bình Định. 


Bãi tắm Hoàng Hậu

Tương truyền trong một lần cùng vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, khi đến đây hoàng hậu Nam Phương đã dừng chân, nghỉ ngơi, tắm biển và chọn bãi tắm cho riêng mình. Bãi tắm có tên là Hoàng Hậu bắt nguồn từ đó. Nơi đây nổi tiếng với những bãi đá tròn, nhẵn trông giống những quả trứng chim khổng lồ, xếp chồng lên nhau trải dài dọc hai bên bờ biển. 

Đến đây ngoài tắm biển và ngắm cảnh bạn còn được tham gia vào nhiều hoạt động lý thú như: câu cá, leo núi và thưởng thức những món hải sản tươi ngon của miền biển như: cua, ốc, ghẹ, sò, mực, tôm, cá. 

7. Đảo Yến

Đảo Yến thuộc thành phố Quy Nhơn, nằm trên bán đảo Phương Mai, là dãy Triều Châu ăn lấn ra biển, dài khoảng 15km, tạo thành những ngọn núi có hình thù ngộ nghĩnh gồm: hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, núi Đen, hòn Mai và hòn Yến nằm ở phía Nam. Đảo có 30 hang lớn nhỏ gồm: hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn… với những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng.


Đảo Yến

Cứ mỗi độ xuân về, tiết trời ấm áp từng đàn chim yến lại rủ nhau bay về đây làm tổ đông nghịt. Yến sào đảo yến trở thành món đặc sản vô giá được thiên nhiên ban tặng cho người dân thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Khám phá đảo Yến sẽ là một cuộc hành trình đầy lý thú dành cho bạn.

8. Hòn Khô

Hòn Khô nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 15km. Nơi đây rất thích hợp để tắm biển, ngắm san hô, nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon. 


Hòn Khô

Khung cảnh đảo hòn Khô là những núi đá lởm chởm nhô ra biển, xem lẫn là những bụi cỏ dại mọc thưa thớt. Bãi biển đảo hòn Khô nước biển trong xanh, bãi cát mịn trắng tinh. Đảo còn khá hoang sơ, rất phù hợp để nghỉ ngơi thư giãn. Đến đây ngoài tắm biển, câu cá, bạn còn có thể ghé thăm làng chài Nhơn Hải để khám phá cuộc sống của người dân miền biển. Lặn biển ngắm san hô và thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon của người dân làng chài. 

9. Cù Lao Xanh

Cù Lao Xanh

Đảo cù lao Xanh nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 22km, đảo cù lao Xanh là một món quà vô giá được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất giàu truyền thống võ học này. Đến đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một màu xanh bất tận của biển, trời và đảo. Ngoài ra đến đây bạn còn được khám phá cuộc sống người dân làng chài ven biển, ngắm hoàng hôn trên cầu cảng và ngọn hải đăng cao 118m được xây dựng cách đây hàng trăm năm, tắm nước suối giếng Tiên.

10. Biển Quy Hòa

Biển Quy Hòa

Biển Quy Hòa nằm dọc theo con đường Quy Nhơn – sông Cầu với những bãi biển sạch đẹp, nước biển xanh ngắt, cùng những bãi cát mịn trắng chạy dài xa tắp. Đến đây bạn sẽ thỏa sức vẫy vùng trong làn nước xanh mát. Từ biển Quy Hòa bạn có thể ngồi thuyền máy khoảng 30 phút để thăm các hòn đảo ở ngoài khơi, khám phá những hang đá kỳ bí, ghềnh đá đủ hình thù đẹp mắt. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho bạn. 

11. Biển Nhơn Lý – Cát Tiến

Biển Nhơn Lý

Biển Nhơn Lý là một trong những vùng biển đẹp nhất khu vực Nam Trung Bộ sở hữu nhiều bài tắm sạch như: Cát Tiên, Nhơn Hội, Hải Giang… Đây là điểm du lịch hấp dẫn bạn không thể bỏ qua khi đến Bình Định. 

12. Chùa Long Khánh

Chùa Long Khánh

Chùa Long Khánh tọa lạc tại số 142 Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn, chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ XVIII dưới thời vua Dụ Tông. Trong khuôn viên của chùa có tượng đức Phật Thích Ca được làm bằng đồng, tượng cao 2m, được đúc năm 1960 và tượng Phật nằm ở sân trước cao 17m. Cho đến nay chùa còn lưu giữ hai hiện vật có giá trị lịch sử và tôn giáo đó là: chuông Hồng Thái được đúc từ thời vua Gia Long, năm 1804 và tấm bia Long Khánh tự được in năm 1813, cũng dưới thời vua Gia Long.

13. Thành cổ Hoàng Đế

Thành cổ Hoàng Đế thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 27km về phía Bắc. Thành được xây dựng vào thế kỷ X dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya, là kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa từ thế kỷ X – XV. Năm 1775, thành được nhà Tây Sơn xây dựng lại trên nền cũ và trở thành đại bản doanh chính của nhà Tây Sơn.


Thành cổ Hoàng Đế

Thành mang đậm kiến trúc Champa với ba vòng thành gồm: thành nội, thành ngoại và tử cấm thành. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ nơi đây được dùng để thờ “song Trung”, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Năm 1982 thành cố Hoàng Đế được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. 

14. Tháp đôi 

Tháp Đôi

Tháp Đôi là tòa tháp nằm ngay trên đường Trần Hương Đạo thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, mang đậm kiến trúc Champa, gồm 2 tháp, trong đó tòa tháp phía Bắc cao 20m còn tòa tháp phía Nam cao 18m. Trải qua nhiều biến cố của thời gian, tháp đã bị tàn phá và hư hỏng nặng. Đến năm 2008 tháp được đầu tư, tu bổ lại theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu. Ngày nay tháp Đôi là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Định.

15. Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tháp nằm trên ngọn núi cao giữa hai nhánh sông Côn và sông Tân An, cạnh Cầu Gành, dọc theo Quốc lộ 1 A. Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Tháp Bánh Ít là quần thể 4 tòa tháp nhìn từ xa trông giống chiếc bánh ít nên người dân nơi đây đặt tên là tháp Bánh Ít. Tháp Bánh Ít cao 22m, trên đỉnh tháp là tượng thần Siva được làm bằng đá, xung quanh tháp chính là ba tháp phụ, mang đậm kiến trúc Champa, được trang trí đẹp và có giá trị nghệ thuật cao. 

16. Trại phong Quy Hòa – Mộ thi nhân Hàn mạc Tử

Trại phong Quy Hòa hay ngôi làng Quy Hòa (theo nhiều người) nằm dưới một thung lũng bình yên tuyệt đẹp của Quy Nhơn với bãi biển cát trắng mịn màng và những ghề đá cheo leo. Nhìn từ Quốc lộ 1D, trại phong như một ngôi làng lọt thỏm giữa biển núi chập chùng, giữa những hàng phi lao vút gió đẹp vô cùng nhưng cũng buồn vô cùng.


Mộ Hàn Mạc Tử ở trại phong

Nơi đây là nơi cư trú của những bệnh nhân phong, trong đó có thi nhân Hàn Mạc Tử. Ở đây, ông đã sống những năm tháng cuối đời mình và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5h45 ngày 11.11.1940 . Mộ ông nằm ở sườn núi phía Bắc, đây là ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mạc tử do tấm lòng của vơ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh xây dựng trước khi được cải táng về Ghềnh Ráng. 

17. Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay.


Bảo tàng Quang Trung


Gốc me cổ thụ trong bảo tàng Quang Trung


Từ thành phố Quy Nhơn theo QL 19 về hướng tây hơn 42km là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quê hương của 3 anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

18. Đàn tế trời

Đàn tế trời được xây dựng trên đỉnh núi Ấn Sơn (Ấn Sơn là ngọn núi thấp, được bao bọc bởi những dãy núi cao trùng điệp. Với người dân Bình Định từ xa xưa, ngọn Ấn Sơn là nơi linh khí tụ hội), thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, rộng 46ha. 

Đàn tế có 2 tầng nền gồm hình vuông bên dưới và hình tròn bên trên tượng trưng cho trời và đất. Quanh khu Đàn tế từ đỉnh Ấn Sơn đi xuống còn có Đền Ấn, trong đó có khu vực đặt bài vị của ba anh em nhà Tây Sơn, hồ bán nguyệt, nghi môn, nhà quản lý khu di tích…




Một số hình ảnh ở đàn tế trời


Đàn tế trời đất tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng:

- Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27m, tượng trưng cho Trời, được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu đỏ bao quanh, nền đất nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc. Chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang áng đá là áng thờ Trời – Đất.

- Tầng thứ hai gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54 m, tượng trưng cho Đất, cũng được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam-Bắc-Đông-Tây, mỗi lối lên có 9 bậc. Nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…

- Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ.

IV. MÓN NGON - ĐẶC SẢN QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH


1.Bún chả cá Quy Nhơn

Bún chả cá

Chả cá là món đặc sản nức tiếng của thành phố biển Quy Nhơn. Đặc biệt chả cá ở đây không chỉ được làm từ các loại cá tươi mà nước dùng còn được nấu từ xương cá, tạo hương vị đặc trưng rất riêng cho món ăn. Chả cá Quy Nhơn thường ăn kèm với tương ớt được pha chế đặc biệt chỉ ở đất Bình Định mới có. 

2. Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo có nguồn gốc từ vùng Diêu Trì, là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ bột gạo, cách làm tương tự như bún sợi nhưng sợi bánh mỏng hơn. Bánh hỏi ăn kèm với lòng heo, thịt heo thai miếng, chấm nước mắm tỏi, ớt pha hơi ngọt. 

3. Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện có vị ngọt vừa phải, dai dai, giòn giòn, có màu hồng nhạt bên trong được gói bằng một lớp lá ổi non, bên ngoài bọc thêm vài lớp lá chuối rồi dùng dây thun buộc lai. Nem chợ Huyện thường được ăn kèm với tỏi. Đây là món ăn vặt bạn thử khi đến Bình Định. 

4. Bánh xèo tôm nhảy

Bánh xèo

Bánh xèo Bình Định được làm từ bột gạo thêm chút bột nghệ và nước cốt dừa để tạo màu và vị béo ngậy. Nhân bánh được làm từ những con tôm đất nhỏ còn sống nhảy tanh tách. Bánh xèo Bình Định được đổ trong những khuôn nhỏ, vừa ăn. Khi ăn bánh có vị ngọt, vừa giòn vừa chua để lại dư vị khó quên cho những ai đã một lần được thưởng thức. 

5. Bún song thằn

Làng nghề làm bún song thằn làng An Thái, An Nhơn vốn nổi tiếng từ lâu. Sở dĩ có tên gọi là bún song thằn vì sợi bún thường được bắt thành từng đôi. Bún được làm từ đậu xanh, giàu giá trị dinh dưỡng. Món này thường ăn kèm lòng gà rất ngon. 

6. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là món đặc sản nổi tiếng của Bình Định. Món bánh này không thể thiếu trong các dịp lễ tết, cưới hỏi của người dân Bình Định. Nguyên liệu để làm bánh ít lá gai gồm có bột nếp và lá gai, nhân bánh được làm từ đậu xnah và dừa. Khi ăn bánh ít mềm, có vị ngọt vừa phải, bánh dẻo khá ngon miệng. 

7. Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây Bồng Sơn

Là món ăn nổi tiếng của thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Nguyên liệu để làm món bánh là gạo cũ. Bánh được ăn kèm với dầu hẹ, đậu phộng giã nhỏ rắc lên trên. Khi ăn bánh dai, có mùi thơm của đậu phộng và vị đậm đà của nước mắm tạo nên hương vị thơm ngon, mộc mạc, dân dã. 

8. Tré Bình Định

Nguyên liệu để chế biến món ăn này gồm có tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ, mè rang, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi. Các nguyên liệu được trộn gia vị và thính rồi dùng lá ổi bọc lại, bên ngoài bọc thêm một lớp rơm giống hình cán chổi nhỏ.


Tré Bình Định

Khi ăn tré có vị mặn, ngọt, béo, chua cay hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên. 

9. Gỏi cá chình

Gỏi cá chình được chế biến rất công phu, để có món gỏi ngon người ta phải chọn đươc những con cá chình còn tươi sống. Công đoạn chế biến khá cầu kỳ và kỳ công. Gỏi cá chình được ăn kèm với bánh tráng nướng, chấm nước mắm gừng. 

10. Bánh tráng nước dừa

Bánh tráng dừa

Bánh tráng dừa là món đặc sản nổi tiếng vùng đất trồng dừa Tam Quan. Bánh được làm từ nước cốt dừa và bột gạo nên bánh không chỉ giòn mà còn thơm ngon, béo ngậy. Bánh tráng dừa có thể nướng để ăn hoặc ăn kèm với nhiều món ăn khác. 

11. Rượu Bàu Đá 

Rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Đá là món đặc sản nổi tiếng của Bình Định, rượu có nồng độ rất cao. Nước dùng ủ rượu được lấy từ sông Kôn, lọc từ trong hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, hầm Hô… Khâu ủ rượu là quan trọng nhất, đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo rất cao mà chỉ có người ở Bình Định mới ủ được những mẻ rượu Bàu Đá có một không hai này. Đến Bình Định bạn có thể mua rượu Bàu Đá về làm quà cho người thân.

12. Mực ngào


Đặc sản mực ngào Quy Nhơn


Ai đã từng ghé thăm Quy Nhơn chắc hẳn đã từng được ăn khô mực ngào - một trong những món ăn ngon của vùng biển Quy Nhơn. Những con khô mực ngào ớt óng ả hấp dẫn cho những buổi nhâm nhi vào những ngày mưa. Khô mực ngào ớt có vị cay cay của ớt tương, chút vị mặn, chút vị ngọt của mực, đảm bảo thực khách ăn vào sẽ nhớ mãi hương vị rất độc đáo của món này.

V. ĐỊA CHỈ ĂN UỐNG TẠI BÌNH ĐỊNH


  • Quán bánh hỏi, kem trộn, bánh canh: Cuối đường Phan Bội Châu, Tp. Quy Nhơn.


  • Bánh bèo cây mận: Trên đường Đống Đa hoặc đường Lý Thường Kiệt. Hay bánh bèo chuồng heo: hẻm 440 Nguyễn Thị Minh Khai.


Ghềnh Ráng


  • Ốc bươu đường Mai Xuân Thưởng (đối diện Sacombank ).


  • Trứng vịt lộn đường Tăng Bạc Hổ, gần ngã tư Tăng Bạc Hổ giao với Lê Hồng Phong.


  • Bún chả cá Ngọc Liên: đường Nguyễn Huệ, gần Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Bình Định.


  • Quán Hải Sỷ đối diện trường THPT Lê Quý Đôn, nằm trên đường Xuân Diệu.


  • Xôi chiên và Cơm cháy chiên ngay đầu đường Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn.


  • Quán Chè Nhớ: đường Ngô Mây, ở đây có rất nhiều loại chè.


  • Quán chè Chuối Nướng: nằm đường Nguyễn Công Trứ gần Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.


  • Tiệm Bánh Mì Chấm Trà Thế Giới: đường Nguyễn Công Trứ đối diện Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.


  • Kem Ngọc Nga: Gần Tượng Đài Quang Trung, thành phố Quy Nhơn.


  • Quán Gà Chỉ Sáu Cao: gần Khu Du Lịch ghềnh Ráng.


  • Bánh xèo Tôm Nhảy Phước Sơn Tuy Phước: Ngã Tư Trần Cao Vân và Phan Bội Châu hoặc đường Bạch Đằng.


  • Khu phố ăn uống về đêm: Đường Ngô Văn Sở, gần Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Bình Định.


  • Bún khô và cuốn thịt nướng: đường Bùi Thị Xuân gần Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.


  • Bánh canh cua Bà O: đường Phan Đình Phùng, góc ngã tư Bạch Đằng - Phan Đình Phùng.


  • Bánh hỏi cháo lòng: Cầu Diêu Trì hoặc đường Ngô Quyền.


  • Xôi Thơm: 155/8 Nguyễn Thái Học.
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét