Về Bình Định thưởng thức bánh 2 sống 1 chín

Nhắc tới Bình Định, không thể không nhắc tới vùng đất Tây Sơn, nơi có vị vua áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ. Và rồi cũng không thể không kể về một món ăn truyền thống có tên: Bánh cuốn – đặc sản vùng miền mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân lên đất Bình Định đều không thể bỏ qua.

Bánh cuốn ở đây còn có tên gọi 2 sống 1 chín. Tên bánh, nghe thôi đã thấy lạ. Hỏi ra mới biết, đây là món ăn đậm chất dân dã mà ai ở vùng này cũng biết. Mộc mạc là vậy nhưng cách nấu, chuẩn bị cho món bánh cuốn độc đáo này lại cần đến sự tỉ mẩn, tinh tế vô cùng.

2 sống 1 chín là món ăn của sự tổng hoà các sản vật hiện có của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử Tây Sơn. Gọi là 2 sống 1 chín vì ăn đúng kiểu bánh cuốn này phải gồm 2 cái bánh tráng sống nhúng cuốn kèm với 1 cái bánh tráng nướng chín giòn rụm, cuốn theo thịt nướng, trứng vịt, chả ram, chả lụa, đậu hũ chiên, rau sống…

Về Bình Định thưởng thức bánh 2 sống 1 chín

Nguyên liệu của bánh 2 sống 1 chín

Bấy nhiêu nguyên liệu ấy cuộn lại thành một cuốn to bằng bắp tay người lớn. Khi ăn, người ăn phải cắn từ từ, bên tả sang bên hữu rồi vòng lại chứ không thể cắn hết được một lúc cuốn bánh to bự. Có người nói vui, ăn bánh cuốn mà như đi đánh trận, tả xung hữu đột…mệt nghỉ!

Phần nhân bánh cuốn được chuẩn bị công phu và tỉ mẩn. Thịt nướng phải được ướp trước một ngày đêm để miếng thịt thấm tháp. Lúc nướng, chỉ cần thịt bén hơi than nóng, chín tới là bụng đã sôi lên vì mùi thơm hấp dẫn.

Chả ram cuộn nhỏ bằng ngón tay, gói tôm thịt, đậu xanh, chút bún khô chiên giòn. Đậu hũ chiên vừa chín tới có màu vàng nhẹ để khi ăn, miếng đậu còn mềm, vỡ ra ngọt lừ. Trứng vịt cũng phải là loại trứng của vịt chạy đồng tại địa phương, lòng đỏ màu vàng ươm béo ngậy.

Công đoạn chuẩn bị rau sống lại là một bước công phu khác. Giá trộn trong rau được người bán gieo ngay tại nhà để có cọng giá ngọt giòn, khi ăn khách sẽ nhớ mãi vị mát lành ấy.



Thứ nước chấm không thể thiếu của bánh 2 sống 1 chín

Một cuốn bánh 2 sống 1 chín rất dễ trở nên lạc lõng, nhạt nhoà nếu phần nước chấm không đúng điệu. Nước chấm gồm đậu phộng xay, xào chín rồi đổ phần nước mắm pha tỏi ớt, chanh đường. Nước mắm không pha thêm nước mà vắt chanh, bỏ đường nhiều để hãm bớt vị mặn của mắm. Nhìn chén nước chấm sóng sánh, cay nồng, đậm đà là muốn ăn thật nhiều bánh cuốn rồi.
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét